Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt sẽ làm tổn thương thần kinh, làm bàn chân mất cảm giác. Nếu tình trạng này kéo dài và không được chăm sóc sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm như loét đến hoại tử bàn chân. Vậy làm thế nào để chúng ta chăm sóc mất cảm giác ở chân cho người tiểu đường thật tốt? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Mất cảm giác ở chân do tiểu đường gây ra như thế nào?
Ở bệnh nhân tiểu đường, chỉ số đường huyết cao có thể gây tổn thương các dây thần kinh. Điều này dẫn đến tình trạng mất cảm giác, đặc biệt là ở ngón và bàn chân.
Mất cảm giác ở chân khiến bệnh nhân không cảm nhận được cơn đau. Người bệnh không có cảm giác nóng, lạnh, không cảm nhận được có vật nào đó xúc tác vào chân.
Khi đó, người bệnh có thể không biết bàn chân của mình bị chấn thương, dẫm phải dị vật… Hậu quả là những vết thương nhỏ bị bỏ qua và nhanh chóng tiến triển thành các vết loét lớn. Bệnh sẽ tiến triển nặng hơn thành các ổ nhiễm trùng do không được chăm sóc kịp thời.
Nhiễm trùng có thể lan đến xương (gây viêm xương) hoặc hoại tử cả bàn chân. Khi đó, để cứu tính mạng, bác sĩ phải cắt bỏ cả bàn chân hoặc thậm chí cả cẳng chân của bệnh nhân.
Những lưu ý khi chăm sóc mất cảm giác ở chân của người bệnh tiểu đường
Kiểm soát lượng đường huyết và các bệnh lý kèm theo
Chọn lựa lối sống lành mạnh, khoa học là cách giúp lượng đường, huyết áp và mỡ máu luôn ở mức bình thường. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa và trì hoãn bệnh lý bàn chân tiểu đường. Cần có kế hoạch theo dõi đường huyết định kỳ và kiểm tra các thông số huyết áp, mỡ máu. Sử dụng thuốc đúng và đủ theo đơn của bác sĩ. Ăn uống một cách khoa học, hợp lý. Hoạt động thể thể, thể thao hàng ngày. Không hút thuốc lá.
Thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế
Các biến chứng ở chân đều có thể ngăn ngừa được nếu bệnh nhân thăm khám định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Tuy nhiên, khi nghi ngờ bị mất cảm giác ở chân, hoặc có các biểu hiện tê bì chân nhiều… bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt.
Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để kiểm tra bàn chân tối thiểu mỗi năm một lần
Tập thói quen kiểm tra bàn chân mỗi ngày
Thường xuyên kiểm tra chân mỗi ngày để sớm phát hiện những bất thường. Khi thấy có tổn thương ở trên chân, hãy rửa sạch vết thương để tránh nhiễm trùng. Đồng thời kiểm tra vết thương xem sau vài ngày có lành lại hay không. Nếu vết thương không lành và chuyển biến xấu, cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Với những người bệnh tiểu đường có chỉ số đường huyết cao hoặc có nhiều biến chứng khác (mắt, thận…) thì phải đi khám ngay khi phát hiện có vết loét ở bàn chân.
Không tự mình loại bỏ các vết chai sần
Chai chân là một biểu hiện của biến chứng thần kinh do tiểu đường. Khi có những vết chai sần muốn loại bỏ, bạn cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
Tuyệt đối không được tự cắt các vết chai chân.
Không tự ý sử dụng các sản phẩm để mài vết chai sần. Điều này có thể làm tổn thương vùng da và khó lành.
Cắt móng chân cẩn thận
Khi cắt móng chân cho bệnh nhân tiểu đường, cần cắt móng thẳng ngang và nhẹ nhàng. Làm nhẵn các cạnh sắc nhọn bằng dũa móng. Không cắt móng chân quá sát vì dễ chảy máu, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây loét. Những trường hợp có móng quặp, móng dày sừng thì phải để bác sĩ chuyên về bàn chân xử lý.
Cắt móng chân ngang và mài nhẵn, nên nhờ nhân viên y tế cắt móng để đảm bảo an toàn
Không đi chân trần kể cả đi trong nhà
Người bệnh tiểu đường nên mang giày và tất hoặc dép bít ngón đi trong nhà. Không đi chân trần để hạn chế bị thương hay va chạm khi đang di chuyển.
Trước khi mang giày, bạn cũng nên kiểm tra và đảm bảo rằng bên trong giày sạch. Phải đảm bảo không chứa bất kì vật sắc nhọn nào bên trong giày.
Việc sử dụng giày dép trị liệu chuyên dụng được khuyến nghị cho người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bao gồm dị dạng bàn chân, loét, hình thành vết chai, tuần hoàn ngoại biên kém hoặc tiền sử cắt cụt chi.
Giữ chân khô ráo, sạch sẽ và lưu thông máu tốt
Khi chăm sóc mất cảm giác ở chân, người bệnh nên rửa chân hàng ngày bằng nước ấm. Không nên ngâm chân trong nước quá lâu, tránh làm khô da. Luôn thử nhiệt độ của nước để tránh quá nóng.
Sau khi rửa chân, dùng khăn lau chân khô hoàn toàn. Thoa kem dưỡng ẩm để giúp ngăn ngừa khô nứt. Tránh thoa kem ở các kẽ ngón chân vì sẽ dễ gây nấm hoặc nhiễm trùng.
Người bệnh cần đặc biệt lưu ý lưu thông máu khi chăm sóc mất cảm giác ở chân. Khi ngồi nên thả hai chân xuống và lắc lư chân, ngón chân trong vài phút. Làm như vậy vài lần trong ngày.
Ngoài ra, việc sử dụng giày dép và tất cần vừa vặn, thoải mái. Những vận động nhẹ nhàng cũng sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn đến chân.
Tăng cường hoạt động thể dục, thể thao
Tập thể dục thường xuyên và duy trì dinh dưỡng ổn định vừa giảm lượng đường trong máu vừa giúp lưu thông máu đến chân tốt hơn. Hãy luyện tập 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, người bệnh cần chọn các môn thể thao an toàn với đôi chân như đi bộ, đạp xe đạp hay bơi lội… Tránh các môn thể thao như chạy, quần vợt…
Đạp xe đạp là hoạt động lí tưởng và an toàn cho đôi chân
Những dấu hiệu của bàn chân mà người bệnh tiểu đường cần tới bệnh viện ngay
Khi kiểm tra bàn chân hàng ngày nếu phát hiện các triệu chứng bất thường nào dưới đây bạn cần tới bệnh viện ngay:
- Da chân khô nứt, thay đổi màu sắc và nhiệt độ.
- Bàn chân bị thay đổi hình dạng.
- Móng chân dày và vàng hoặc móng mọc ngược.
- Rụng lông ở ngón chân hoặc cẳng chân.
- Bàn chân bị giảm hoặc mất khả năng cảm nhận nhiệt độ.
- Cảm thấy ngứa ran, bỏng rát hoặc bị đau ở bàn chân.
- Đau ở chân hoặc bị chuột rút ở mông, đùi hoặc bắp chân khi tập thể dục.
- Xuất hiện vết phồng rộp, vết loét, bắp chân bị nhiễm trùng.
- Nhiễm nấm ở da chân và ở kẽ ngón chân.
Chăm sóc bàn chân bị mất cảm giác thường bị người bệnh tiểu đường bỏ qua vì chủ quan. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ mất cảm giác ở chân người bệnh cần đi khám để được kiểm tra và xử trí kịp thời. Ngoài ra, người cũng cần quan tâm sức khỏe bàn chân và kiểm soát tốt đường huyết để ngăn ngừa biến chứng về lâu dài. Nếu cần thêm thông tin vui lòng liên hệ hotline 1800.1286 để được hỗ trợ.