Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa. Bệnh gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh. Vì thế, nhận biết được dấu hiệu tiểu đường càng sớm sẽ càng giúp ích cho việc điều trị và ngăn ngừa biến chứng.
Tổng quan về bệnh tiểu đường
Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa. Bệnh có đặc điểm tăng glucose huyết (đường huyết) mạn tính do thiếu bài tiết insulin, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin hoặc cả hai.
Insulin là hormon do tế bào Beta ở đảo tụy tiết ra, giúp chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể. Đồng thời, còn có tác dụng đến việc chuyển hóa các mô mỡ và gan thành năng lượng để cung cấp cho hoạt động của cơ thể. Đây là hormon duy nhất trong cơ thể giúp giảm glucose máu (hạ đường huyết).
Bệnh tiểu đường được phân chia thành 4 loại chính:
- Tiểu đường typ 1: Nguyên nhân là do tế bào Beta đảo tụy bị phá hủy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối.
- Tiểu đường typ 2: Tiểu đường typ 2 chiếm 90 – 95% các trường hợp đái tháo đường. Nguyên nhân là do giảm chức năng của tế bào Beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
- Tiểu đường thai kỳ: Đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về tiểu đường typ 1, typ 2 trước đó.
- Khác: Các loại tiểu đường đặc biệt do các nguyên nhân khác, như đái tháo đường sơ sinh hoặc do sử dụng thuốc và hoá chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…
Bệnh tiểu đường dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi.
Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường bạn cần phải biết
Quan trọng là phải phát hiện ra bệnh tiểu đường sớm từ các dấu hiệu để điều trị kịp thời. Điều này sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường. Tùy vào từng loại đái tháo đường, triệu chứng có thể rầm rộ hoặc từ từ. Đối với tiểu đường typ 1, người bệnh dễ dàng nhận biết do các triệu chứng rất rõ rệt. Với tiểu đường typ 2, các dấu hiệu diễn ra âm thầm và khó phát hiện hơn.
Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tiểu đường
Hiện nay, thường gặp nhất là đái tháo đường typ 2. Dù là tiểu đường typ 1 hay typ 2 thì cũng có những dấu hiệu sau: Đói và mệt mỏi, uống nhiều, tiểu nhiều, khô và ngứa da, nhìn mờ.
- Đói và mệt mỏi: Bình thường, sau bữa ăn, các thực phẩm chứa carbohydrate sẽ được cơ thể chuyển thành glucose. Tuy nhiên, tế bào cần insulin để hấp thụ glucose. Nếu cơ thể thiếu insulin hoặc các tế bào đề kháng lại insulin thì glucose sẽ không đi vào được và không tạo năng lượng. Do đó, cơ thể sẽ đói và mệt mỏi. Hơn nữa, tiểu đường cũng gây ra tình trạng tiểu nhiều khiến cơ thể mất nước. Và mất nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi.
- Uống nhiều, tiểu nhiều: Người mắc bệnh tiểu đường, do đường máu cao nên đi tiểu nhiều hơn bình thường rất nhiều lần. Do đó, khiến cơ thể người bệnh mất nước và cảm thấy khát. Vì khát nên sẽ dẫn đến tình trạng uống nhiều nước. Và thế, tạo nên một vòng luẩn quẩn giữa uống nhiều và tiểu nhiều.
- Khô miệng và ngứa da: Người tiểu đường bị mất nước do tiểu nhiều. Vì thế sẽ dẫn đến tình trạng khô miệng. Da không được cung cấp đủ nước cũng sẽ bị khô và dễ kích ứng gây ngứa ngáy, khó chịu.
- Giảm thị lực: Giảm thị lực do lượng chất lỏng trong cơ thể thay đổi khiến thủy tinh thể bị sưng lên. Hoặc cũng có thể do biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra.
Cơ thể bị mất nước nên người bệnh cảm thấy khát và uống nhiều nước
Các dấu hiệu của tiểu đường typ 1
Các triệu chứng của tiểu đường typ 1 xảy ra rất rầm rộ. Và dưới đây là một số dấu hiệu khác:
- Sụt cân: Ở người tiểu đường, glucose không vào được trong tế bào do thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin. Vì thế, cơ thể không dùng glucose như một nguồn năng lượng được. Do vậy, phải đốt chất béo và cơ để lấy năng lượng khiến người bệnh sút cân. Hơn nữa, mất nước do tiểu nhiều cũng góp phần làm cân nặng của cơ thể giảm. Như vậy, tiểu đường typ 1 có 4 dấu hiệu rất rõ rệt tạo nên một vòng luẩn quẩn là: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều.
- Buồn nôn và nôn: Khi cơ thể chuyển hóa chất béo để lấy năng lượng sẽ sinh ra ceton. Chất này tích tụ trong máu, lâu dần đến một mức nguy hiểm sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm toan ceton. Buồn nôn, nôn, hơi thở có mùi ceton (giống mùi thuốc tẩy móng tay) là những biểu hiện của tình trạng này. Khi gặp các dấu hiệu này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế. Vì biến chứng nhiễm toan ceton của đái tháo đường có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tình trạng nhiễm toan ceton có biểu hiện buồn nôn, hơi thở có mùi ceton
Các dấu hiệu của tiểu đường typ 2
Tiểu đường typ 2 diễn ra rất âm thầm, các triệu chứng không rầm rộ như typ 1. Chính vì thế, người bệnh thường không phát hiện ra mình mắc bệnh. Mà đa số vô tình đi khám các bệnh khác thì phát hiện ra tiểu đường hoặc đã xuất hiện các biến chứng như vết thương chậm lành,… Một số dấu hiệu như:
- Nhiễm trùng nấm men: Glucose là môi trường thuận tiện để nấm men phát triển vì đây là thức ăn của chúng. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường thường bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng thường xảy ra ở những nơi ấm và ẩm trên cơ thể. Theo đó, các bộ phận dễ bị nhiễm trùng như: Rãnh các ngón tay, ngón chân, trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục,…
- Chậm lành các vết loét, vết cắt: Lượng đường máu cao trong thời gian dài sẽ gây ra biến chứng do tổn thương dây thần kinh. Vì thế khiến các vết thương khó được chữa lành.
- Tê bì, mất cảm giác ở chân: Đây cũng là tình trạng do tổn thương thần kinh gây nên. Tổn thương bàn chân bắt đầu ở những ngón chân. Chân bị mất dần cảm giác, đặc biệt những nơi ngón đã bị biến dạng hoặc thiếu máu. Ngón chân dễ bị chấn thương, hình thành những cục chai, ổ loét, nhiễm trùng và hoại thư.
Tê bì, mất cảm giác ở chân do tổn thương thần kinh gây nên
Dấu hiệu của đái tháo đường thai kì
Một số dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ như: Mệt mỏi, nhanh đói, khát nước và tiểu nhiều. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không rõ rệt, khó phân biệt với biểu hiện bình thường khi mang thai. Vì thế, bạn nên đi khám thai định kỳ để có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé.
Những lưu ý cho người bệnh tiểu đường
Để kiểm soát tốt đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng, người bệnh cần lưu ý như sau:
- Tuân thủ hướng dẫn điều trị: Việc quan trọng là phải tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Tái khám định kì để theo dõi sát sao tiến triển bệnh cũng như hiệu quả của việc điều trị.
- Theo dõi đường huyết: Theo dõi đường huyết hỗ trợ cho việc đánh giá hiệu quả điều trị. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp theo từng người và từng giai đoạn của bệnh. Đây cũng là cách giúp đánh giá việc thay đổi lối sống ảnh hưởng gì đến chỉ số đường huyết.
- Thay đổi lối sống: Thay đổi lối sống bao gồm luyện tập thể lực, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Người bệnh nên tập những bài thể dục phù hợp. Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, cần kiểm soát cân nặng, béo phì là nguy cơ dẫn đến tiểu đường typ 2. Thay đổi lối sống cần được cá nhân hóa trên từng người. Do điều này ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết và việc kiểm soát bệnh. Ví dụ, nếu tập luyện quá sức có thể dẫn đến hạ đường huyết. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để có lối sống phù hợp.
Theo dõi đường huyết hỗ trợ cho việc đánh giá hiệu quả điều trị
Trên đây là các dấu hiệu của tiểu đường và những lưu ý cho người bệnh. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu cần thêm thông tin hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài miễn cước: 1800.1286 để được tư vấn miễn phí.